Menu
Can đảm để yêu thương

“Dạ, alo, có phải cô N không ạ? Con đọc được bài viết cô cần người chở quà cho người khó khăn đúng không cô? Con có thể giúp cô được không?”

Tôi nói như reo trong điện thoại, lòng đầy hy vọng.

“Được chứ con! Quà nhiều lắm, người khó khăn cũng nhiều lắm, cô chú chở không hết. Con có xe máy chứ?”

Đầu dây bên kia phản hồi. Và như thế là bắt đầu hành trình “những phần quà 0 đồng” của tôi.

Trong một lần dạo chơi trên facebook, tôi tình cờ đọc được bài viết mời gọi hỗ trợ của cô chú. “Mình chưa chích vaccine thì có nên đi không ta?” Tôi băn khoăn. “Chắc là thôi, nguy hiểm quá.” – và thế là tôi lướt qua mẩu tin thông báo ấy.

Một ngày, hai ngày rồi ba ngày trôi qua, tôi thấy lòng mình gợn sóng, có điều gì đó không yên. Nghĩ thế, tôi âm thầm tìm lại bài post ấy, mong rằng có ai đó đang quan tâm và tình nguyện đăng ký. Như thế chắc sẽ thấy lòng đỡ áy náy hơn. Nhưng không, bài viết chỉ vỏn vẹn vài lượt thích. Lòng tôi thổn thức và một ý nghĩ chợt lóe lên trong đầu: “Chẳng lẽ Chúa gọi mình đi?”.

Tôi đem ý nghĩ này cầu nguyện với Ngài mỗi tối, xin Ngài cho tôi một dấu chỉ, nếu thật sự Ngài muốn thì tôi cũng ráng… cắn răng mà đi. Vài ngày sau đó, tôi gọi cho cô.

“Dạ con có xe máy, ngày mai con lên chở nha cô! Cô cho con xin địa chỉ…” Chúng tôi “chốt deal”.

Thánh Têrêsa Calcutta đã từng nói:

Chắc là “tâm sự” với Ngài nhiều nên hôm nay tôi biết yêu thật rồi! Yêu bản thân, yêu cả những mảnh đời khốn khó.

Vừa mới gọi cô, sáng hôm tiếp theo tôi xuất phát liền.

Đường đến nhà cô không thiếu những khó khăn, đường lớn hẻm nhỏ đâu đâu cũng có chốt kiểm soát dịch bệnh, hoặc giăng dây phong tỏa để phòng lây nhiễm. Tạ ơn Chúa vì sau một hồi lần mò, tôi cũng đến được nhà cô.

Nằm sâu trong một con hẻm nhưng căn nhà nhỏ ấy có cái gì đó thật đặc biệt. Ấn tượng đầu tiên đập vào mắt tôi chính là hàng ngàn phần quà đã được cô chú gói sẵn. Chúng tôi trò chuyện một lúc trước khi bắt đầu công việc, cô từ tốn giới thiệu nhiệm vụ của tôi, vừa nói vừa lấy cho tôi chiếc kính chống giọt bắn và bộ đồ bảo hộ xanh xanh. Cô bảo là mình phải bảo đảm an toàn cho mình trước, rồi sau đó người khác mới được an toàn.

Tôi gặp thử thách ngay lần nhận “Nhiệm vụ” đầu tiên: đem 40 phần quà cho bà con khó khăn tận ở Thủ Đức. Đi với tôi hôm nay còn có ba thành viên khác nữa, họ cũng trạc tuổi tôi. Chúng tôi chào hỏi nhau, lấy thông tin liên lạc rồi bắt đầu sắp quà lên xe. Nào là rau, gạo, bánh… những vật phẩm vốn dĩ rất bình thường nhưng đã trở nên vô cùng quý giá trong thời buổi khó khăn này.

Sau khi lên đường, chẳng mấy chốc chúng tôi đến nơi. Dường như tất cả mọi con hẻm xung quanh đây đều bị giăng dây phong tỏa. Nỗi lo một lần nữa ập đến, liệu có nên tiếp tục đi vào khu vực nguy hiểm này không?

Tiếp thôi, vì có Chúa mà. Chúng tôi động viên nhau.

Chở quà nặng không? Nặng chứ. Phát quà mệt không? Mệt chứ. Sợ dịch không? Sợ chứ. Nhưng tất cả những nỗi lo toan, mệt nhọc ấy đều nhẹ đi so với niềm hạnh phúc mà chúng tôi mang đến cho những người dân lao động khổ cực.

Chúng tôi cứ băn khoăn một chút quà mọn bình thường này có thể giúp họ được mấy ngày. Tuy nhiên, trong thời gian này, đối với những hoàn cảnh khó khăn nơi đây, chúng thực sự quý giá, không chỉ bởi giá trị vật chất, mà còn là nguồn động viên tinh thần. Đó là nguồn sống, là động lực, giúp họ lạc quan hơn, phần nào đỡ được một chút lo toan gánh nặng cơm áo trong những ngày khó khăn sắp tới.

Mà đâu chỉ có vậy, gói gém bên trong những phần quà giản dị ấy còn là sự yêu thương, tôn trọng, và sẻ chia của những con người xa lạ gửi đến nhau. Và ở một góc nhìn rộng hơn, tất cả những điều ấy là chúng tôi học từ một Đấng vĩ đại hơn, Đấng đã từng cứu vớt những hoàn cảnh khó khăn, đã nâng đỡ kẻ nghèo khó, và đã chết cho nhân loại.

Hành trình yêu thương cứ thế tiếp diễn ngày qua ngày. Dù cho dịch bệnh ngày càng nguy hiểm, ngay cả tôi cũng chẳng thể tiếp tục băng băng “về đích” cùng các cô chú, cô chú vẫn dễ dàng tìm ra những “khe hở” để nối dài tình yêu của Chúa. Khi thì xe máy, khi thì xe cứu thương. Chẳng biết khi nào đại dịch sẽ qua đi, nhưng tôi biết rằng tình yêu sẽ luôn tồn tại.

Chúng ta chẳng thể biết được rằng Chúa muốn chúng ta làm gì nếu chúng ta không chịu hỏi Ngài. Nhưng nếu có câu trả lời rồi, liệu bạn có chấp nhận với lời mời của Ngài, ra đi mà xây dựng “đại dương” tình yêu mà Ngài mong muốn? Không cần phải xông pha vào tâm dịch như các y bác sĩ, không cần phải “liều mạng” như tôi, chỉ cần mỗi ngày chúng ta nhớ đến nhau trong lời cầu nguyện, chẳng phải đó là một món quà vô giá sao? Chưa bao giờ là quá muộn để yêu thương, thế nên bạn có thể bắt đầu hành trình của mình bất cứ lúc nào.

Bài viết & Hình ảnh : Gia Huy
Thiết kế : Minh Luân